Tầm quan trọng của oxy trong cuộc sống

1. Tổng quan

Hô hấp là cơ quan chủ yếu thực hiện chức năng trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường bên ngoài. Nhờ có sự trao đổi khí mà cơ thể sống hấp thu oxy từ môi trường bên ngoài và đào thải khí carbonic ra khỏi cơ thể. Con người có thể nhịn ăn, nhịn uống trong một thời gian dài, nhưng không thể nhịn thở quá 5 phút. Chức năng hô hấp hoạt động được là nhờ sự điều hòa chu kỳ của trung tâm hô hấp nằm ở hành não. Trung tâm này rất nhạy cảm đối với sự thay đổi đậm độ khí carbonic, oxy, pH và cả nhiệt độ của máu qua não…

Quá trình hô hấp bao gồm 4 giai đoạn:

– Thông khí: giai đoạn không khí từ ngoài vào đến phế nang và ngược lại.

– Khuếch tán: quá trình oxy từ phế nang đến mao mạch qua màng phế nang, đối với khí carbonic thì ngược lại.

– Vận chuyển: quá trình đưa oxy từ máu mao mạch phế nang đến tổ chức nhờ hồng cầu và huyết tương.

– Hô hấp tổ chức: giai đoạn cuối cùng, oxy từ ngoài vào trong tế bào được sử dụng nhờ các men hô hấp.

Các giai đoạn trên của quá trình hô hấp liên quan mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau. Một trong các giai đoạn trên bị rối loạn sẽ dẫn đến rối loạn hô hấp và đưa đến thiếu oxy cho toàn cơ thể.

2. NGUYÊN NHÂN GÂY THIẾU OXY

2.1. Các chướng ngại ở đường hô hấp

– Các chướng ngại ở đường hô hấp dẫn đến chít hẹp đường ra vào của không khí hay nói cách khác làm rối loạn thông khí, làm hàm lượng oxy trong cơ thể ngày càng giảm, khí carbonic ngày càng tăng.

– Các chướng ngại ở cao: phù họng, u đường hô hấp, do vật lạ như sặc nước, nghẹn, bệnh bạch hầu…

– Các chướng ngại ở thấp: viêm phế quản, hen, viêm phổi, do tăng tiết dịch nhầy đường hô hấp, do phù nề co thắt các cơ trơn phế quản làm hẹp đường lưu thông của không khí.

2.2. Hạn chế thể tích của lồng ngực

– Liệt các cơ hô hấp thường gặp trong tổn thương các dây thần kinh tủy, tổn thương cột sống.

– Chấn thương lồng ngực: gãy xương sườn, vẹo cột sống.

– Các bệnh gây tràn khí, tràn dịch màng phổi.

2.3. Các bệnh gây cản trở  khuếch tán khí trong phổi

– Viêm phổi.

– Phù phổi cấp.

– Khí phế thũng.

– Viêm phế quản phổi.

2.4. Các bệnh làm rối loạn quá trình vận chuyển oxy do máu và tuần hoàn

2.4.1. Thiếu máu

– Thiếu máu về số lượng thường gặp trong các bệnh cấp tính như nôn ra máu, chảy máu. Thiếu máu nặng dẫn đến số lượng hồng cầu còn lại không đủ đảm bảo vận chuyển oxy theo nhu cầu của cơ thể. Do đó cơ thể lâm vào tình trạng thiếu oxy.

– Thiếu máu về chất lượng: bệnh huyết sắc tố, ngộ độc oxyd carbon, clorat, nitrit…

Trong các bệnh này, máu không thực hiện đủ chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến tổ chức dẫn đến cơ thể thiếu oxy.

2.4.2. Suy tim

Suy tim làm ứ trệ tuần hoàn, tốc độ vận chuyển oxy chậm đưa đến thiếu oxy.

2.4.3. Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh là bệnh còn ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất… máu động mạch không được oxy hóa đầy đủ vì có lẫn cả máu tĩnh mạch, dẫn đến tình trạng thiếu oxy mặc dù phổi cung cấp đủ oxy và vận chuyển oxy vẫn bình thường.

3. TRIỆU CHỨNG THIẾU OXY

Thiếu oxy trên lâm sàng đều biểu hiện tình trạng suy hô hấp. Suy hô hấp là biến đổi những chức năng hô hấp, cũng như rối loạn quá trình oxy hóa của tổ chức, biểu hiện lâm sàng của suy hô hấp là triệu chứng khó thở và tím tái, biểu hiện cận lâm sàng là những biến đổi về nồng độ O2 và CO­2 trong máu. Tùy theo mức độ suy hô hấp nặng hay nhẹ có các biểu hiện sau:

– Khó thở: là triệu chứng chủ quan, bệnh nhân cảm thấy khó chịu do thiếu dưỡng khí, biểu hiện bằng những biến đổi về nhịp thở, về độ sâu cũng như về độ gắng sức của các cơ hô hấp.

– Bệnh nhân biểu hiện lo âu hốt hoảng, bồn chồn.

– Vật vã kích thích.

– Giảm thị lực.

– Ý thức lơ mơ, xa xăm, lộn xộn.

– Giảm trương lực cơ và sự phối hợp của các nhóm cơ.

– Trong giai đoạn đầu: huyết áp, mạch và tần số hô hấp tăng, tần số tim tăng lên để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể.

– Trong giai đoạn muộn: bệnh nhân có biểu hiện tím tái, thở dốc, co kéo các cơ hô hấp, huyết áp và mạch giảm.

– Cận lâm sàng: xét nghiệm phân tích khí trong máu động mạch thấy áp lực oxy (PaO2) giảm, độ bão hòa oxy (SpO2) giảm.

4. LIỆU PHÁP OXY

Liệu pháp oxy là biện pháp cung cấp khí thở cho bệnh nhân có nồng độ oxy lớn hơn 21%.

Thành phần không khí ở điều kiện bình thường (áp suất 760mmHg), gồm có các chất khí sau:

– Khí oxy chiếm: 20,95%.

– Khí carbonic chiếm: 0,03%.

– Khí nitơ chiếm: 79,02%.

Tỷ lệ các khí trên trong không khí phù hợp với nhu cầu sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên trong một số trường hợp, do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh nhân có thể lâm vào tình trạng thiếu oxy. Thiếu oxy sẽ gây tổn thương các mô của cơ thể nhất là các mô có vai trò quan trọng cho sự sống như tế bào não… Vì vậy, việc sử dụng liệu pháp oxy trong những trường hợp nói trên là hết sức cần thiết.

5. CÁC QUY ĐỊNH KHI THỰC HÀNH LIỆU PHÁP OXY

– Trong quá trình điều trị, khi bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu oxy thì liệu pháp oxy được chỉ định qua các phương pháp sau:

+ Phương pháp thở oxy qua ống thông mũi hầu.

+ Phương pháp thở oxy bằng mặt nạ.

+ Phương pháp thở oxy bằng cách sử dụng lều oxy, lồng oxy.

– Oxy là một chất khí không màu, không mùi, không vị trong khí thở, bình thường oxy chiếm tỷ lệ 21%. Oxy rất cần cho sự sống nhưng việc sử dụng trong lâm sàng cần hết sức thận trọng, phải tuân theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm giảm bớt các tai biến trong điều trị.

– Oxy là một chất khí dễ gây cháy, nổ.

– Trong liệu pháp oxy sử dụng khí khô. Vì vậy, khi cho bệnh nhân thở nếu khí không được làm ẩm trước sẽ gây nên tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

– Nồng độ oxy trong khí thở dùng trong liệu pháp oxy quá cao, lại sử dụng trong thời gian dài sẽ gây nên các tai biến trầm trọng về mắt, phổi cho bệnh nhân. Do đó khi thực hành liệu pháp oxy cần lưu ý:

+ Liệu pháp oxy theo đúng chỉ định của bác sĩ về:

· Phương pháp cho thở oxy.

· Thời gian thở oxy.

+ Lưu lượng: là thể tích oxy cần cung cấp cho bệnh nhân trong một phút.

· Phương pháp ống thông mũi hầu: lưu lượng oxy trung bình 1 – 5 lít/ phút.

· Phương pháp sử dụng mặt nạ: lưu lượng oxy trung bình 8 – 12 lít/ phút.

+ Đậm độ: Là nồng độ oxy trong khí thở.

· Phương pháp ống thông mũi hầu: lưu lượng oxy từ 1 – 5 lít/phút, có thể đạt nồng độ oxy trong khí thở từ 22 – 30%.

· Phương pháp mặt nạ: lưu lượng oxy từ 8 – 12 lít/ phút, có thể đạt nồng độ oxy trong khí thở từ 35 – 60%.

– Độ ẩm: là tỷ lệ hơi nước có trong khí thở, thường làm ẩm khí thở bằng cách cho khí oxy từ trong bình sục qua lọ nước sạch trước khi đưa vào đường hô hấp của bệnh nhân.

+ Đảm bảo vệ sinh phòng, chống nhiễm khuẩn:

· Sử dụng dụng cụ vô khuẩn, dụng cụ sạch.

·Vệ sinh miệng cho bệnh nhân 3 – 4 giờ/lần.

·Với phương pháp ống thông mũi hầu, thời gian sử dụng kéo dài cần thay đổi ống thông và bên mũi của bệnh nhân 8 giờ/lần.

+ Phòng tránh khô niêm mạc đường hô hấp:

· Thực hiện làm ẩm oxy bằng nước sạch.

· Đảm bảo lượng nước uống hàng ngày cho bệnh nhân.

+ Phòng chống cháy, nổ:

· Treo biển “Cấm lửa” , “Không hút thuốc lá” ở khu vực có bình chứa khí oxy.

· Nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân làm tốt công tác phòng cháy nổ, khi họ tiếp xúc với những phòng có sử dụng khí oxy, không hút thuốc lá, không sử dụng diêm, bật lửa, bếp điện, bếp dầu hỏa, đèn dầu…

· Bình chứa oxy phải để nơi khô ráo, sạch sẽ, gọn gàng, cố định chắc chắn.

· Hạn chế vận chuyển bình oxy. Nếu cần vận chuyển phải dùng xe đẩy riêng và di chuyển nhẹ nhàng.

6. QUY TRÌNH KỸ THUẬT

6.1. Thở oxy bằng phương pháp ống thông mũi hầu

6.1.1. Chuẩn bị dụng cụ

– Ống thông mũi hầu hoặc ống thông Nelaton vô khuẩn cỡ số thích hợp.

+ Trẻ em cỡ số 8 hoặc 10.

+ Người lớn số cỡ 10 – 12 – 14.

– Bình đựng oxy, áp lực kế, lưu lượng kế, dây dẫn oxy.

– Bình làm ẩm: dùng nước cất hoặc nước chín, lượng nước trong bình chiếm 1/2 thể tích bình.

– Lọ đựng dầu nhờn.

– Cốc nước chín.

– Miếng gạc vuông.

– Băng dính.

– Kéo.

– Kim băng.

– Đèn pin, đèn soi.

– Đè lưỡi.

6.1.2. Chuẩn bị bệnh nhân

– Tiếp xúc, xác định đúng bệnh nhân, giải thích cho bệnh nhân về kỹ thuật sắp làm. Động viên bệnh nhân hít vào qua đường mũi để tránh làm loãng nồng độ oxy.

– Đặt bệnh nhân ở tư thế thích hợp thoải mái đảm bảo thông thoát đường hô hấp.

+ Thường đặt bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi hoặc tư thế ngửa thẳng kê cao vai.

+ Hút đờm dãi cho bệnh nhân.

6.1.3. Thực hành kỹ thuật

– Rửa tay thường quy, đi găng.

– Chuẩn bị và sắp xếp dụng cụ đầy đủ.

– Đưa dụng cụ đến bên giường bệnh, nhận định bệnh nhân; tình trạng chung của bệnh nhân, chú ý đến tình trạng hô hấp, tuần hoàn.

– Hướng dẫn và giải thích cho bệnh nhân về tầm quan trọng của kỹ thuật sắp làm. Thông báo cho bệnh nhân và người nhà về quy định an toàn trong khi bệnh nhân đang thở oxy.

– Hút đờm dãi cho bệnh nhân rồi đặt bệnh nhân ở tư thế thích hợp.

– Lắp ráp hệ thống thở oxy và kiểm tra lại sự hoạt động của toàn bộ hệ thống. Mở van điều chỉnh lưu lượng oxy tới 3 lít/phút. Nhúng đầu ống thông thở oxy vào cốc nước thấy có bóng khí nổi. Sau khi thử xong đóng van lại.

– Đo và đánh dấu đầu ống thông.

Cách đo: đo từ đỉnh mũi tới dái tai cùng bên, sau khi đo xong dùng băng dính để đánh dấu điểm vừa đo.

– Bôi trơn đầu ống thông: bơm kem bôi trơn tan trong nước vào miếng gạc vuông rồi xoay đầu ống, không dùng các loại dầu bôi trơn thông thường như glycerin hoặc parafin. Nếu không có kem bôi trơn tan trong nước thì chỉ cần nhúng đầu ống trong cốc nước sau đó vẩy nhẹ cho hết nước đọng.

– Vặn van điều chỉnh lưu lượng cho đúng chỉ định trước khi đưa ống thông vào mũi bệnh nhân.

– Nhẹ nhàng đưa ống thông vào một bên lỗ mũi bệnh nhân cho tới khi điểm đánh dấu chạm vào bờ lỗ mũi. Dùng đè lưỡi và đèn soi để kiểm tra vị trí của đầu ống thông, nếu thấy đầu ống thông ở vị trí cạnh lưỡi gà thì phải rút ống thông ra một chút cho đến khi không nhìn thấy thì thôi.

– Dán băng dính cố định ống thông: dán vào một bên mũi và má, hoặc dán vào đỉnh mũi và trán; gài kim băng để cố định ống vào vỏ gối hoặc áo của bệnh nhân.

– Kiểm tra, điều chỉnh lại lưu lượng theo đúng chỉ định.

– Đánh giá lại bệnh nhân về màu da, tình trạng hô hấp và các dấu hiệu sinh tồn khác như mạch, huyết áp…

– Treo bảng cấm lửa vào vị trí dễ nhìn thấy nhất và kiểm tra lại các quy định an toàn.

– Thu dọn dụng cụ, đưa các dụng cụ sạch về vị trí cũ. Xử lý các dụng cụ bẩn theo quy định.

– Ghi chép vào hồ sơ chăm sóc.

– Nội dung ghi chép:

+ Tình trạng bệnh nhân trước khi thở oxy.

+ Thời gian bắt đầu thực hiện kỹ thuật.

+ Lưu lượng oxy.

+ Tình trạng bệnh nhân sau khi thực hành kỹ thuật và trong quá trình thở oxy.

+ Người thực hiện ký tên.

6.2. Thở oxy qua mặt nạ

Mặt nạ là một dụng cụ phủ kín miệng và mũi bệnh nhân, dùng để cho bệnh nhân thở oxy trong những trường hợp khẩn cấp hoặc khi bệnh nhân có tổn thương ở mũi, hầu. Thở oxy bằng mặt nạ có thể cung cấp cho bệnh nhân khí thở có nồng độ oxy cao hơn phương pháp ống thông mũi hầu. Bình thường với lưu lượng oxy 8 – 12 lít/ phút, thì nồng độ oxy trong khí thở đạt từ 35 – 60%. Với loại mặt nạ có bóng thở lại, có thể cung cấp khí thở có nồng độ oxy cao tới 90%.

Tuy nhiên, trong lâm sàng ít khi chỉ định cho thở oxy với nồng độ cao hơn 60% để tránh các tai biến ngộ độc oxy.

6.2.1. Chuẩn bị bệnh nhân

– Thông báo và giải thích cho bệnh nhân và người nhà về kỹ thuật sắp làm.

– Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế thích hợp, thoải mái, đảm bảo đường hô hấp được thông thoát.

6.2.2. Dụng cụ

– Bình oxy, áp lực kế, lưu lượng kế.

– Bình làm ẩm chứa nước cất hoặc nước chín.

– Mặt nạ theo chỉ định cỡ số thích hợp, dùng loại mặt nạ có bóng thở lại hay không có bóng thở lại tùy thuộc vào từng bệnh nhân cần thở nồng độ oxy trong khi thở cao hay thấp.

– Dây dẫn, ống nối tiếp.

6.2.3. Thực hành kỹ thuật

– Rửa tay thường quy, đi găng tay.

– Chuẩn bị và sắp xếp dụng cụ.

– Đưa dụng cụ đến bên giường bệnh, nhận định bệnh nhân. Tình trạng chung của bệnh nhân, chú ý về tình trạng hô hấp và tuần hoàn.

– Hướng dẫn và giải thích cho bệnh nhân về tầm quan trọng của kỹ thuật sắp làm. Thông báo cho bệnh nhân và người nhà về những quy định an toàn trong khi bệnh nhân đang thở oxy.

– Hút đờm dãi cho bệnh nhân, rồi đặt bệnh nhân ở tư thế thích hợp.

– Động viên bệnh nhân tự cầm và điều khiển mặt nạ theo chỉ dẫn nếu bệnh nhân tự làm được.

– Đưa mặt nạ về phía mặt bệnh nhân và áp mặt nạ từ phía mũi xuống miệng.

– Vặn van điều chỉnh lưu lượng oxy theo chỉ định.

– Điều chỉnh mặt nạ cho khít với mặt của bệnh nhân.

– Cố định băng co dãn quanh đầu bệnh nhân, buộc băng vừa phải không chặt quá làm bệnh nhân khó chịu và cũng không lỏng quá làm cho mặt nạ dễ xê dịch khỏi vị trí đúng.

– Đánh giá tình trạng bệnh nhân: màu da, tình trạng hô hấp và các dấu hiệu sinh tồn khác như mạch, huyết áp.

– Quan sát da mặt của bệnh nhân ở vùng có đặt mặt nạ có bị kích thích, dị ứng với cao su hoặc nhựa của mặt nạ không.

– Sau 1 – 2 giờ thở oxy cần tháo mặt nạ ra, lau khô và lau mặt cho bệnh nhân,  nếu thấy mặt nạ có nhiều hơi nước cần tháo ra lau khô ngay.

– Treo bảng “Cấm lửa” vào vị trí dễ nhìn thấy nhất và kiểm tra lại các quy định an toàn.

– Thu dọn dụng cụ, đưa các dụng cụ sạch về vị trí cũ, xử lý các dụng cụ bẩn theo quy định.

– Ghi chép vào hồ sơ chăm sóc.

– Nội dung ghi chép:

+ Tình trạng bệnh nhân trước khi thở oxy.

+ Thời gian bắt đầu thực hiện kỹ thuật.

+ Lưu lượng oxy.

+ Tình trạng bệnh nhân sau khi thực hành kỹ thuật và trong quá trình thở oxy.

+ Người thực hiện: ghi rõ họ tên.

2 Trả lời “Tầm quan trọng của oxy trong cuộc sống”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.